Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

Bolero Việt - thể loại nhạc gây những cuộc tranh cãi "nảy lửa"

Bấm ngay Subscribe / Đăng Ký xem video hay mới nhất >>

Bolero có phải là một dòng nhạc?

Bolero vốn chỉ là một điệu nhạc chậm rãi có nguồn gốc Mỹ Latin, du nhập vào Việt Nam từ đầu thập niên 1950 và nhanh chóng phổ biến trong các bài hát tại miền Nam Việt Nam. Hầu hết các ca khúc Bolero đậm chất dân ca, giai điệu đều, chậm, lời ca vần, dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý.

Với những đặc trưng như vậy, Bolero được nhiều người xem là một dòng nhạc ở Việt Nam thay vì chỉ là một điệu nhạc, tiết tấu nhạc như xuất xứ của nó. Trước năm 1975, Bolero từng ở vào thời kỳ hoàng kim, được đông đảo khán giả miền Nam yêu thích.

Sau đó, Bolero bị hạn chế một thời gian dài trước khi bùng nổ trở lại vào những năm gần đây. Nhiều ca sĩ Bolero hải ngoại như Giao Linh, Phương Dung, Hương Lan, Chế Linh,... về nước biểu diễn. Bolero được hát ở những sân khấu lớn, thậm chí trên cả truyền hình.

Một loạt cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế về Bolero ra đời như Thần tượng Bolero, Song ca cùng Bolero, Tình Bolero, Kịch cùng Bolero,... Một số game show khác như Người hát tình ca, Tuyệt đỉnh song ca... nhạc Bolero cũng áp đảo. Đến cả cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội cũng chấp nhận Bolero.

"Người người nhà nhà" hát Bolero. Dòng nhạc này được cho là phát triển chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây. Nhiều ca sĩ chuyên trị nhạc trẻ cũng chuyển sang hát Bolero và gây dựng được tên tuổi, ví dụ tiêu biểu nhất là Lệ Quyên. Còn số lượng giọng ca trẻ theo đuổi Bolero cũng như "nấm sau mưa", "nhiều không kể xiết".

Bolero Viet - the loai nhac gay nhung cuoc tranh cai
Danh ca Bảo Yến cho rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào.

Bolero cũng được phân hạng

Bảo Yến - một giọng ca Bolero thành danh - từng chia sẻ Zing.vn rằng Bolero cũng có hạng, không phải nhạc sĩ nào cũng như nhạc sĩ nào. "Có người đẳng cấp, có người bình thường, không thể đánh đồng được, giống như ca sĩ cũng có hạng A, hạng B, hạng C, hạng D", nữ danh ca nhấn mạnh.

Theo Bảo Yến, ở dòng nhạc Bolero, Trúc Phương, Lam Phương được xem là "vua Bolero", là hạng trên vì lời ca đầy chất văn. Muốn viết được những ca từ như thế phải sống qua đau khổ, dày dạn gió sương, phải chắt lọc để tinh tế.

Trong khi, các ca khúc của nhạc sĩ Vinh Sử ở hạng thấp hơn. "Nhạc của Vinh Sử với những lời như "Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay" thì sao có thể gọi là vua. Nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học", giọng ca Bolero nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long phân loại Bolero của Trúc Phương, Lam Phương là "văn minh": "Nếu phải dùng mấy từ ngắn nhất để phân biệt với các ca khúc khác cùng thuộc dòng Bolero thì có thể dùng hai chữ văn minh", nam nhạc sĩ nói.

Tuy vậy, theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long bên cạnh những ca khúc được tạm dùng từ "văn minh" của Trúc Phương, Lam Phương, một phổ biến với Bolero là các bài mang tính dân dã. Thấy gì, nghe gì, thích gì, nghĩ gì viết nấy. Không nhất thiết phải tuân theo quy luật, khúc triết, ca từ mỹ miều, có chiều sâu. Các sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử thuộc loại này.

"Như vậy, xét về phương diện thẩm mỹ nghệ thuật, ít nhất Bolero được phân hai tầng, một tầng hàm chứa sự văn minh nhất định và một tầng hết sức dân dã. Tạm gọi là "văn minh" và "bình dân"".

Có điều từ khi Bolero được Việt hóa từ nguồn gốc điệu nhảy ngoại nhập thành một điệu nhạc được gọi theo tên gốc và tên Việt hóa, sau đó có thêm các điệu nhạc khác khiến Bolero mang dáng dấp là một dòng nhạc Việt, thì Bolero đã là đại diện nhạc đại chúng bình dân.

Bình dân có nghĩa phổ cập, ai, tầng lớp và học thức nào cũng có thể nghe được. Nên dù có văn minh thì cũng là "văn minh" trong bình dân hay "bình dân" trong bình dân", nam nhạc sĩ phân tích.

Bolero Viet - the loai nhac gay nhung cuoc tranh cai
Tùng Dương là tâm điểm dư luận những ngày qua vì phát ngôn thẳng thắn về Bolero.

Những cuộc tranh cãi không hồi kết

Không chỉ tranh cãi về sự định danh, sự phân cấp chia hạng, Bolero từng nhiều lần trở thành đề tài gây bão mạng xã hội, khiến báo chí - truyền thông "tốn nhiều giấy mực".

Từ vấn đề giọng Bolero thuần, việc làm mới Bolero đến những quan điểm riêng về dòng nhạc này đều dễ dàng nhận những ý kiến trái chiều. Có người ví Bolero như "tổ kiến lửa" mà bất cứ ai động vào sẽ trở thành tâm điểm của dư luận và bị ném đá không thương tiếc.

Khi nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng "Việc bùng nổ đêm nhạc Bolero là trì trệ, đau khổ với người sáng tạo", có ý kiến phản hồi "Tôi thà làm kẻ lạc hậu bên Bolero còn hơn nghe nhạc dị hợm". Lê Minh Sơn chọn cách im lặng sau đó.

Trước Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Quốc Trung cũng từng gây tranh cãi khi đặt câu hỏi: "Những thanh niên trí thức trẻ tuổi, sành điệu nhưng lại đắm đuối với nhạc sến liệu có gọi là bình thường?". Một nhận định đã bị phản ứng dữ dội...

Mới đây nhất, Tùng Dương nêu quan điểm "Già trẻ lớn bé đều đắm đuối với Bolero thì đúng là sự thụt lùi trong âm nhạc". Thực tế Tùng Dương không có ý bài bác Bolero, bản thân anh cũng cho rằng "Bolero là kỷ niệm, là dòng nhạc có sức sống bền bỉ, không ai được phép khinh bỏ".

Nam ca sĩ đặt câu hỏi: "Nếu tất cả ca sĩ nhạc nhẹ đều chuyển sang hát Bolero để đắt show, để dễ kiếm tiền thì âm nhạc sẽ như thế nào". Và một cơn bão chỉ trích bùng lên nhắm vào Tùng Dương.

Những cuộc tranh cãi về Bolero là không có hồi kết. Nhưng hẳn sự tôn trọng đối với những ý kiến trái chiều là điều cần thiết trong mọi cuộc tranh luận.

Tôi đồng tình

Tôi không đồng tình

VietBao.vn



from Thế Giới Giải Trí | Âm Nhạc | Việt Báo - Viet Bao Viet Nam http://ift.tt/2xbwtJn
via âm nhạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét