“Sài Gòn cái gì cũng hay, nhưng hay nhất là Bolero”, đó là động lực khiến Đàm Vĩnh Hưng mang tới Hà Nội một bữa tiệc đặc sản “ngon nhất” của Sài Gòn vào tối 26/8 ngay giữa "cơn mưa" những tranh luận trái chiều xoay quanh dòng nhạc Bolero.
"Sài Gòn Bolero & Hưng" tràn ngập những cảm xúc của người hát, người nghe, nơi những kỷ niệm được đánh thức, những ký ức được gọi về qua từng bài hát, từng khung cảnh hiện diện. Đàm Vĩnh Hưng thêm lần nữa đã khiến khán giả phải rơi nước mắt không phải bằng những câu chuyện dễ mủi lòng mà chỉ bằng những bài hát mà mỗi câu đầu tiên vang lên là đã nhận được những tràng vỗ tay vang dội.
Bấm ngay Subscribe / Đăng Ký xem video hay mới nhất >> |
Đàm Vĩnh Hưng mang "đặc sản" Sài Gòn đến với khán giả Thủ đô. |
Thậm chí, bản thân anh cũng không nén được cảm xúc khi nhắc đến những cộng sự đã nhiệt tình và gian khổ để cho Bolero - "đặc sản" Sài Gòn có một sự hiện diện lộng lẫy đầy kiêu hãnh trên sân khấu Thủ đô Hà Nội.
Lần đầu tiên, Trung tâm Hội nghị Quốc gia tràn ngập một không gian Sài Gòn với những hình ảnh thân thương, gần gũi nhất. Ở ngoài sảnh, đó là tiệm may, là quán cà phê, hàng ăn vỉa hè - nơi khán giả được mời ăn xôi, ăn chè, được phát quạt giấy đúng phong cách Sài Gòn đi xem hát ngày xưa, thuở máy điều hòa còn xa lạ và xa xỉ.
Trên sân khấu, qua từng chương của câu chuyện dài mang tên bolero là những thứ đã mất đi cùng những gì chắc chắn sẽ còn tồn tại như Thương xá Tax và bùng binh cây liễu nổi tiếng, từ những góc phố cùng những tiệm may, thẩm mỹ viện, rạp hát… đến quán cà phê cóc và các xe hàng ăn… đã làm nên bản sắc đường phố Sài Gòn. Đó cũng là nơi, đêm đêm những bài hát bolero vẫn vang lên bập bùng với tiếng đàn guitar cùng những tiếng hát ngà ngà say nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Không cao sang, những quán cà phê cóc liêu xiêu cũng được Đàm Vĩnh Hưng đưa vào sân khấu với những gì giản đơn nhưng chân thật, gần gũi |
Tất cả những điều đó đã được Đàm Vĩnh Hưng cùng đạo diễn Trần Vi Mỹ và ê-kíp tái hiện đầy sống động trước mắt khán giả Hà Nội. Chưa hết, một phần Đà Lạt cũng được đưa vào chương trình, như Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ đây là nơi chứa đựng những kỷ niệm đáng nhớ của đời anh, nơi anh coi như chốn nương náu tình cảm thứ hai, chỉ sau Sài Gòn.
Khán giả Hà Nội xúc động trước những gì được Đàm Vĩnh Hưng mang đến cũng dễ hiểu, bởi với rất nhiều người Hà Nội nói riêng và người Bắc nói chung, hai tiếng “Sài Gòn” vang lên luôn có sức quyến rũ kỳ lạ. Bởi vậy, khi một phần Sài Gòn được đưa lên sân khấu Hà Nội, cùng với "đặc sản" quyến rũ nhất của nơi ấy là những bài tình ca bolero, những bài “nhạc vàng”, thì cảm xúc bùng cháy là điều có thể đoán được. Tuy nhiên, từ phía Đàm Vĩnh Hưng, anh biết cách đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác từ chính chất liệu vô cùng đơn giản: những bài bolero.
Bolero là "cái mỏ" để Ông hoàng nhạc Việt khai thác những gì quý giá nhất cho con đường âm nhạc của mình. |
Với Đàm Vĩnh Hưng, bolero không đơn thuần là những bài hát vượt thời gian mà là là một "cái mỏ" để anh khai thác từ đó những gì quý giá nhất cho con đường âm nhạc của mình. Cùng là những bài bản bolero thân thuộc nhưng khán giả lúc thì được nghe dưới dạng một ban nhạc đường phố khi Đàm Vĩnh Hưng và Hoài Lâm hòa giọng trong một bản mash-up độc đáo với các bài hát “Hồi tưởng”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Người ngoài phố”, “Chuyện tình không dĩ vãng” cùng các nhạc công bên bàn cà phê quán cóc, khi thì lại được nghe với không khí đậm màu đại nhạc hội đặc trưng Sài Gòn xưa khi Dương Triệu Vũ hát cùng các vũ công khuấy động sân khấu với “Có nhớ đêm nào”, “Tình là sợi tơ”,...
Hay khi những bóng hồng như danh ca Hương Lan, nữ hoàng phòng trà Lệ Quyên, quán quân cuộc thi Solo cùng Bolero Thu Hằng, ca sĩ hải ngoại Hà Thanh Xuân… lần lượt xuất hiện vô cùng duyên dáng để cất lên những tình khúc có thể làm mềm mọi trái tim. Cũng vẫn là bolero, nhưng người ta thấy vang lên các âm điệu jazz, swing, pop hay những bất ngờ không ai nghĩ tới như tiếng kèn đưa đám trong bài “Dấu chân kỷ niệm”.
Hương Lan, Lệ Quyên và Thu Hằng cất lên những tình khúc làm mềm mọi trái tim. |
Và nhân vật chính - Đàm Vĩnh Hưng, anh không chỉ là người đàn ông hát trong không gian được tạo nên cho mình mà còn kể câu chuyện của chính mình qua chính những bài hát. Khán giả có thể thấy được sự giằng xé tình cảm khi Đàm Vĩnh Hưng hát cùng Dương Triệu Vũ ca khúc “Túy ca” hay ngậm ngùi chia sẻ lại những góc khuất cuộc đời với “Thành phố buồn” cũng như màn song ca cùng Quang Lê đã xóa bỏ mọi ồn ào xung quanh họ suốt những năm qua.
Cũng vì coi bolero như "cái mỏ" quý mà Đàm Vĩnh Hưng đã nỗ lực để đưa lên sân khấu, lần đầu tiên sau năm 1975 những bài hát mà anh gọi là “hoa hậu” của dòng nhạc này, đó là “Tình bơ vơ”, “Thương hận” và “Chiều mưa biên giới”.
Với 38 tiết mục trong “Sài Gòn Bolero & Hưng”, khán giả được trở về với không gian hào nhoáng, náo nhiệt của Sài Gòn vào những năm 1960 do Đàm Vĩnh Hưng, đạo diễn Trần Vi Mỹ và ê-kíp dày công thực hiện qua cả 5 giác quan: vị giác (ẩm thực miền Nam), khướu giác (tẩm hương thơm khắp cả khán phòng), thính giác (âm nhạc, tiếng rao), thị giác (những bối cảnh xưa), xúc giác (được tận tay sờ những vật dụng xưa như máy may, bộ trà, máy đĩa,…).
Trong đêm diễn lớn nhất của mình kể từ ngày “đánh cược” với danh tiếng, chuyển sang hát bolero 10 năm trước, Đàm Vĩnh Hưng đã rất khéo léo biết cách làm phát lộ và tỏa sáng. Trong khi nữ hoàng bolero Lệ Quyên khiêm nhường chỉ hát song ca cùng ông hoàng nhạc Việt thì học trò Thu Hằng đã được dành cho hẳn một bài đinh hát solo, cũng là một bài hàng “hoa hậu” của dòng này là “Vùng lá me bay”, hay “chàng thơ” đã gắn bó 14 năm 9 tháng Dương Triệu Vũ được ưu ái dành cho một màn trình diễn đẹp bậc nhất về hiệu ứng trình diễn với vũ đoàn, khiến nhiều khán giả “nổi da gà” nhất bởi thuần bolero nhất, giản dị nhất mà lại dạt dào cảm xúc nhất.
Hình ảnh nghệ sĩ Thanh Nga - Thần tượng lớn của Đàm Vĩnh Hưng cũng xuất hiện trên sân khấu khiến nhiều người "rơi nước mắt". |
Đúng như tên gọi của chương trình, những gì đẹp nhất của Sài Gòn, từ cái đẹp hình ảnh đến cái đẹp tinh thần, được đưa lên sân khấu. Những bài bolero hay nhất được lựa chọn để hát lên bởi những giọng ca từ mẫu mực của dòng này như danh ca Hương Lan, tới chất giọng “giang hồ” của Đàm Vĩnh Hưng, sự pha trộn Bắc – Nam hấp dẫn đặc biệt của Lệ Quyên, phong cách đặc trưng hải ngoại của Quang Lê, sự pha trộn giữa pop hiện đại và nhạc xưa của Dương Triệu Vũ đến cách hát chân phương của thế hệ trẻ như Hoài Lâm, Thu Hằng.
Và ở chương cuối mang tên Hưng, với chữ H kiêu hãnh trên sân khấu là dịp để Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ những ước mơ thuở thiếu thời, khi anh tái hiện hình ảnh nghệ sĩ Thanh Nga qua màn hóa thân của nữ ca sĩ Hà Thanh Xuân, để hát cùng anh bài “Mưa rừng”. Một màn trình diễn khiến nhiều khán giả xúc động là khi hình ảnh các nghệ sĩ lớn của tân nhạc và cải lương được hiện lên và được tri ân khi Đàm Vĩnh Hưng hát cùng danh ca Hương Lan bài hát “Phận tơ tằm”.
Những câu trong bài hát này: Người nói đi như tim người nghĩ, rằng nghề xướng ca tôi mang tội gì, họa là có chăng tôi mang tội đời, làm cho nhân thế say mê… có lẽ đã rất thích hợp để lý giải vì sao Đàm Vĩnh Hưng lại có thể đắm đuối như thế cho liveshow này đến vậy./.
Thanh Vân/VOV.VN Ảnh: Đại Ngô, Thành Phạm
VietBao.vn
from Thế Giới Giải Trí | Âm Nhạc | Việt Báo - Viet Bao Viet Nam http://ift.tt/2vyWd0v
via âm nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét