Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Phải bảo đảm hài hòa lợi ích

“Cục Bản quyền tác giả chưa hề có bất cứ văn bản hay phát ngôn nào cho phép Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục thu tiền tác quyền âm nhạc tại khách sạn. Đây là quan hệ dân sự, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp”. Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Bùi Nguyên Hùng. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện dựa trên cơ sở đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa các bên.

 

Phai bao dam hai hoa loi ich
Không chỉ tại các buổi biểu diễn, việc thu tiền tác quyền âm nhạc sẽ được tiến hành ở cả trên chương trình truyền hình tại khách sạn.

Lại "nóng" chuyện thu tiền tác quyền

Câu chuyện thu tiền tác quyền âm nhạc lại "nóng" sau 3 tháng khá nguội lạnh, khi mới đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo tiếp tục triển khai thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn qua tivi tại phòng lưu trú khách sạn vào đầu tháng 10-2017. Sau thông báo của VCPMC, nhiều thông tin cho biết "VCPMC đã được Cục Bản quyền tác giả cho phép tiếp tục thu tiền tác quyền". Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 28-9, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng khẳng định: Việc thu tiền tác quyền là quan hệ dân sự, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp. Cục bảo lưu quan điểm đã được nêu trong biên bản làm việc ngày 26-5-2017 với VCPMC về việc Trung tâm phải xác định rõ được ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc, báo cáo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xác định cơ sở pháp lý và tính chặt chẽ, khả thi của hoạt động này.

Ngay sau thông báo của VCPMC, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng cũng đã có cuộc họp thống nhất "tiếp tục từ chối" yêu cầu nộp tiền tác quyền qua tivi tại phòng nghỉ của khách sạn, với lý do đài truyền hình đã nộp tiền tác quyền, việc VCPMC tiếp tục thu tiền các khách sạn là trùng lắp, phí chồng phí... Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Khu vực phía Bắc của VCPMC phân tích: “Nếu chỉ bật tivi xem tác phẩm trong nhà, thì không phải trả tiền tác quyền. Khi tác phẩm được sử dụng trong hoạt động kinh doanh hoặc làm tăng lợi ích, lợi nhuận thì chủ thể kinh doanh phải chi trả một phần lợi nhuận cho việc sáng tác. Khách sạn sử dụng tivi để phục vụ hoạt động kinh doanh, làm tăng lợi ích kinh doanh, đương nhiên phải trả tiền tác quyền”. Đề cập đến phản ứng của Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Trong công văn, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng khẳng định tuân thủ luật và chúng tôi cũng vậy. Căn cứ vào Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ, VCPMC đã tiến hành thu khoản này từ gần 10 năm nay ở hơn 400 khách sạn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho rằng, đã khai thác tác phẩm sáng tạo phải có trách nhiệm trả tiền, nhưng bên đại diện cho quyền tác giả cần phải chứng minh được tần suất sử dụng. VCPMC phải ứng dụng công nghệ thông tin xác định được khách sạn có sử dụng tác phẩm hay không, nếu cứ áp giá 25.000 đồng/tivi/năm trong tất cả các khách sạn một cách máy móc, sẽ khó thuyết phục được xã hội.

Cần có lộ trình phù hợp

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, nghĩa vụ của người sử dụng tác phẩm âm nhạc cho mục đích kinh doanh là phải trả tiền và việc thu tiền tác quyền theo đầu tivi trong khách sạn là đúng luật. Điều đáng nói ở đây là phương thức thực hiện. Nếu hai bên không chứng minh được việc sử dụng tác phẩm âm nhạc qua tivi ở phòng ngủ khách sạn, tại sao không mời bên thứ ba làm việc này? Chắc chắn VCPMC phải có khảo sát rồi mới đưa ra mức 25.000 đồng/tivi/năm tiền tác quyền, nhưng lại không thông tin nghiên cứu đó trước khi đưa ra yêu cầu thu tác quyền. Đáng lẽ, VCPMC phải đưa thông tin đầy đủ ngay từ ban đầu, vững cả về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, thay vì cãi nhau một cách tù mù, không có thông tin.

Một bên yêu cầu trả tiền, bên kia không muốn trả tiền, rõ ràng hai bên cần phải gặp nhau để đàm phán, đi đến thống nhất. Ông Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ: "Mỗi bên đều có cái lý của mình. VCPMC sẽ trực tiếp đàm phán với Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng, cũng như các đơn vị sử dụng tác phẩm sáng tạo khác để đi tới thống nhất chung, cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận. Tôi nghĩ, mức tiền tác quyền 25.000 đồng/ tivi/năm chỉ là con số tham khảo, mọi việc đều có thể đàm phán, trên nguyên tắc có sử dụng tác phẩm thì phải trả tiền tác quyền, còn trả ở mức độ nào, tùy thuộc vào điều kiện thực tế".

Qua sự việc này cho thấy, dù là quan hệ dân sự, song, Cục Bản quyền tác giả cũng cần phải hỗ trợ VCPMC thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc, hài hòa lợi ích của người sáng tạo, người sử dụng và lợi ích của công chúng thụ hưởng. Về phía VCPMC nên đưa ra lộ trình thích hợp, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong việc thu tiền tác quyền; có thể thu từ truyền hình, sử dụng nhạc sống trong khách sạn trước, chỉ thu qua tivi trong phòng ngủ khách sạn khi có thể chứng minh, bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc: Ở Hàn Quốc, với trường hợp thu tiền bản quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn, bên tổ chức phát sóng sẽ phải có trách nhiệm thu và trả tiền đó cho Hiệp hội Bản quyền tác giả âm nhạc và Hiệp hội sẽ phân chia tiền bản quyền đó cho các nghệ sĩ biểu diễn hay tác giả theo mức cụ thể.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP Hồ Chí Minh, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Vietnam: Hàn Quốc và các quốc gia tiên tiến thu được theo kiểu đó, vì ở nước họ, bên phát sóng có quyền thụ hưởng tác quyền của tổ chức phát sóng, tương tự như quyền tác giả. Họ thu chung một gói rồi chia theo tỷ lệ, vì họ cũng được hưởng lợi. Còn ở Việt Nam chưa thu tiền tác quyền của chính họ ở khách sạn, quán cà phê..., nên rất khó thực hiện thu tiền tác quyền cách này ở nước ta.

Mai Hoa

VietBao.vn



from Thế Giới Giải Trí | Âm Nhạc | Việt Báo - Viet Bao Viet Nam http://ift.tt/2kcln4v
via âm nhạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét