Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật

Liên tục những vấn đề liên quan đến bản quyền ảnh hưởng đến rất nhiều nghệ sĩ Việt trong thời gian vừa qua.

Thực tế, vấn đề bản quyền đã tồn tại từ rất lâu trong giới nghệ thuật Việt Nam. Việc quản lý bản quyền lỏng lẻo đã âm thầm giết chết nghệ thuật nói chung và nền âm nhạc nói riêng. Hậu quả nhãn tiền, các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam từ lâu đã không còn được định giá cao ở các sân chơi nghệ thuật quốc tế.

Nếu trước đây, vị phạm bản quyền chỉ dừng lại ở việc “mượn” toàn bộ giai điệu của 1 ca khúc nào đó như trường hợp tác phẩm Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn thì ở thời điểm hiện tại, bản quyền trong âm nhạc đã không còn chỉ bị giới hạn bằng “đạo nhái” mà còn xuất hiện ở rất nhiều hình thức khác.

Sử dụng các giai điệu đã được đăng ký bảo hộ để tạo hiệu ứng trong MV

Xuất hiện đã lâu nhưng vấn đề sử dụng tràn lan các giai điệu không xin phép mới thực sự được quan tâm khi vào tháng 11 vừa qua, MV 30 triệu lượt view Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh bất ngờ bị tháo khỏi Youtube vì lý do bản quyền. Cụ thể, ekip của Noo đã sử dụng một đoạn nhạc nền thuộc sở hữu của kênh Youtube có tên HDMusicization. Mặc dù chỉ là một đoạn nhạc ngắn nhưng sự cố này hoàn toàn có thể tránh được nếu ekip của Noo chú ý quan tâm đến tác quyền – một vấn được được Youtube đặc biệt quan tâm.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-1

Mặc dù đã được đăng tải lại trên Youtube nhưng Noo đã mất hàng ngàn lượt view đáng giá

Nghệ sĩ tiếp theo vướng phải vấn đề tương tự lần lượt là Bảo Anh và Hương Tràm với Sống xa anh chẳng dễ dàng và Ngốc. Do sử dụng một đoạn nhạc nền lấy từ 2 bản hòa âm Glimmer of Hope và Icarus của tác giả Ivan Torrent, MV Sống xa anh chẳng dễ dàng đã đứng trước nguy cơ bị tháo khỏi Youtube.

Điều này đồng nghĩa với việc Bảo Anh sẽ phải mất khoảng 40 triệu view từ ca khúc trên. Dù fan có chấp nhận dành thời gian cày view nhưng chắc chắn Sống xa anh chẳng dễ dàng sẽ không thể nào giành được thành công tương tự nếu bị gở bỏ khỏi Youtube.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-2
Đại diện của Bảo Anh cho biết, số tiền mua lại tác quyền lên tới $10000 tương đương 270 triệu đồng

Mới đây, đến lượt MV Ngốc ra mắt cách đây hơn 1 năm của nữ ca sĩ Hương Tràm dính tới vấn đề bản quyền.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-3
Thông báo của Youtube về MV “Ngốc”

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, phía Hương Tràm vẫn chưa đưa ra phản hồi cho vụ việc trên.

Hát lại những ca khúc độc quyền không xin phép

Năm 2011, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã lên tiếng chỉ trích ca sĩ Uyên Linh khi cover ca khúc Đường cong do anh sáng tác riêng cho ca sĩ Thu Minh. Trả lời báo giới, nhạc sĩ cho biết: “Đầu tiên là Phong ghi nhận ban biên tập Vietnam Idol có quan tâm đến ca khúc Đường cong của Phong, vì vậy mà họ chọn để Uyên Linh hát. Sau đó, Phong ghi nhận sử biểu cảm của Uyên Linh trên sân khấu Vietnam Idol, khiến cho khán giả bị thuyết phục và lôi cuốn. Nhưng sự ghi nhận này chỉ dừng lại ở một cuộc thi thôi. Sau khi cuộc thi kết thúc, mọi thứ cần phải trả lại quỹ đạo cũ của nó, đó là bản thu chắc nịch của ca sĩ Thu Minh vào đầu năm 2010". Sau sự việc này, nữ ca sĩ Uyên Linh đã phải gửi lời xin lỗi đến cả nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và ca sĩ Thu Minh.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-4
Nữ ca sĩ thừa nhận sai sót trong việc sử dụng ca khúc Đường cong không xin phép

Tương tự, nữ ca sĩ Tóc Tiên cũng từng cùng Touliver remix lại ca khúc Người đàn bà hóa đá của cố nhạc sĩ Trần Lập trong chương trình The Remix năm 2015 mà không hề ngỏ lời với tác giả.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-5
Tóc Tiên trong đêm thứ 8 của The Remix 2015

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-6
Ngay sau đêm diễn, cố nhạc sĩ Trần Lập đã lên tiếng “tố” Tóc Tiên hát ca khúc không xin phép

Nữ ca sĩ Tóc Tiên đã lên tiếng chính thức xin lỗi cố nhạc sĩ. Đồng thời, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, giám đốc âm nhạc The Remix cũng để lại bình luận ngay dưới chia sẻ của cố nhạc sĩ Trần Lập “Cái này có thể là lỗi của ê kíp chương trình. Trong đó có cá nhân em. Em xin phép được xin lỗi anh rất nhiều về thiếu xót này. Hy vọng anh thông cảm cho chúng em. Hơn nữa các bạn ý cũng rất sáng tạo với bài hát này, em nghĩ anh cũng sẽ tự hào về điều đó.”

Những trang web tải nhạc miễn phí

Trong thời đại công nghệ số, không khó để công chúng có thể liệt kê ra hàng ngàn các trang web trực tuyến cho phép người dùng tải nhạc với chất lượng cao mà không phải trả tiền bản quyền cho tác giả.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các ca sĩ Việt không mấy mặn mà trong việc đầu tư và sản xuất album trong một vài năm trở lại đây. Bởi lẽ, chi phí đầu tư album có thể lên đến con số hàng tỷ đồng trong khi chỉ bằng một cái click chuột, cư dân mạng có thể tìm thấy bản mềm của những album đó nhan nhản trên mạng. 

Đã có trường hợp nghệ sĩ chính thức kiện các trang web chia sẻ nhạc mà không có sự đồng ý từ chủ sở hữu. Đơn cử có thể kể đến trường hợp của trưởng nhóm Bức tường Trần Lập với ca khúc Đường lên đỉnh vinh quang. Tuy nhiên, cố nhạc sĩ đã rút lại đơn kiện khi 2 bên giải quyết ổn thỏa với nhau. Trên thực tế, dù có thắng kiện, nghệ sĩ cũng không thể nào kiểm soát được tất cả các trang nghe nhạc trực tuyến ra mắt mỗi ngày.

Rõ ràng,vấn đề vi phạm bản quyền không chỉ gói gọn trong những người làm nghệ thuật mà còn xuất phát từ chính công chúng. Những người đang hàng ngày vô tư tải nhạc mà không hề lường trước được hệ lụy của nó đến nền nghệ thuật nước nhà.

Lối thoát nào cho vấn đề bản quyền?

Tiên phong đứng lên trước vấn nạn bản quyền không thể không nhắc tới ca sĩ Mỹ Tâm.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-7
Bản thân Mỹ Tâm cũng từng dính vào vụ tùm xùm bản quyền với ca khúc “Anh thì không”. Có lẽ, chính vì thế mà Mỹ Tâm luôn có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề nhạy cảm này.

Ekip của Mỹ Tâm từng gửi công văn đến Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và một số công ty dịch vụ viễn thông để đòi lại tiền tác quyền cho nhiều năm sử dụng miễn phí các ca khúc của cô cho các dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ… Toàn bộ số tiền thu được được cô và Fan club sử dụng cho mục đích từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Mỹ Tâm cũng là một trong những nghệ sĩ nói không với các trang web chia sẻ nhạc miễn phí. Cô chia sẻ: "Hiện tại đang có nhiều trang nhạc online rất muốn đăng tải album của tôi nhưng tôi vẫn đang cân nhắc về cách thức hợp tác.

Nếu trường hợp không hợp tác với trang nào thì bên công ty tôi sẽ kết hợp với một vài đơn vị bảo vệ bản quyền để kiểm tra, nếu thấy đăng album lậu thì sẽ nhắc nhở để tháo gỡ, còn nếu vẫn tái phạm thì có lẽ công ty sẽ khởi kiện".

Đồng thời, Mỹ Tâm cũng bắt tay trở thành đối tác tới Youtube. Được biết, để có thể hợp tác với Youtube, giọng ca gốc Đà Nẵng phải đảm bảo được yêu cầu gắt gao như chứng minh các video clip đều phải do chính cô tạo ra, có chất lượng và được đầu tư kỹ lưỡng đồng thời tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về bản quyền.

Cuộc chiến bản quyền âm ỉ không hồi kết trong giới nghệ thuật-8
Kênh Youtube chính thức của Mỹ Tâm

Mặc dù không phát hành online nhưng album mới nhất của Mỹ Tâm – Tâm 9 đã giành được nhiều thành công đáng nể. Rõ ràng, công chúng luôn sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.

from Thế Giới Giải Trí | Âm Nhạc | Việt Báo - Viet Bao Viet Nam http://ift.tt/2CJZC03
via âm nhạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét